Nhiều kiến nghị quan trọng cho thị trường bất động sản còn “vướng lại” năm 2023

Nhiều kiến nghị quan trọng cho thị trường bất động sản đã được HoREA kiến nghị đến Thủ tưởng Chính phủ nhưng còn “vướng lại”, chưa được các bộ, ngành thực hiện trong năm 2023, điều này ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản năm 2024.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), năm 2023, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành và các địa phương có nhiều giải pháp để “giải cứu” thị trường bất động sản. Vì vậy, thị trường bất động sản đã qua “vùng đáy” và đang trong quá trình dần phục hồi và có thể phát triển trong nửa cuối năm 2024 trở đi. Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 nhưng chưa được các bộ, ngành thực hiện đầy đủ.

Điển hình là kiến nghị sớm ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất” để tháo gỡ vướng mắc về công tác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại để bảo đảm không thất thu ngân sách nhà nước, để cấp “sổ hồng” cho khách hàng và để chủ đầu tư dự án hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm.

Hay quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, trong đó có thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại và để áp dụng chung trong phạm vi cả nước. Nội dung này liên quan Nghị định 31, Nghị quyết 33 của Chính phủ và phù hợp với Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Hiệp hội cũng đã đề nghị sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo hướng không khống chế trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết ; đề nghị tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm minh doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hành vi chuyển giá, kê khống chi phí để trốn lậu thuế… cũng chưa được thực hiện.

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các thông tư có liên quan Công điện 1177/CĐ-TTg theo hướng sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định không phù hợp để tạo điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp và hỗ trợ hiệu quả cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp..

Kiến nghị gia hạn Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 (Nghị quyết 42) thêm 12 tháng, đến hết ngày 31-12-2024 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, trong đó có việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.

Điều này tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu trong giai đoạn từ năm 2017 cho đến nay, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, nhưng Nghị quyết số 42 sẽ hết hiệu lực. Chưa kể, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 tới ngày 1-1-2025 mới có hiệu lực nên sẽ phát sinh “khoảng trống pháp lý” trong năm 2024, còn Nghị quyết 42 của Quốc hội thì đã hết hiệu lực.

Xem thêm:  Black Friday là ngày gì? Black Friday là ngày nào trong năm?